Giỏ hàng

Vương Mạnh Hoàng: Một portal, tại sao không?

20 tuổi, Hoàng quả thực là một “cậu ấm” mới ra trường. Nhưng đã kịp nhảy vài chỗ làm, bởi cái nghề nó thế. Và cũng bởi sự thay đổi đem lại cho con người trẻ không chỉ thêm kinh nghiệm, quan hệ và cả những hiểu biết mới. Giờ, cậu là nhân viên phát triển thương mại điện tử của FIS, một công ty con của FPT.

Vương Mạnh Hoàng: Một portal, tại sao không?

 -> Du lịch Bát Tràng ( xem chi tiết )

battrang.info phiên bản 8.0 ( đã 8 năm trôi qua và Battrang.info đã có 08 lần thay đổi giao diện )

 

 

20 tuổi, Hoàng quả thực là một “cậu ấm” mới ra trường. Nhưng đã kịp nhảy vài chỗ làm, bởi cái nghề nó thế. Và cũng bởi sự thay đổi đem lại cho con người trẻ không chỉ thêm kinh nghiệm, quan hệ và cả những hiểu biết mới. Giờ, cậu là nhân viên phát triển thương mại điện tử của FIS, một công ty con của FPT.

 

Nhưng Hoàng lại chẳng phải là một cậu ấm theo đúng nghĩa bởi từ năm lớp 8 bố cậu đã gửi cậu lên học ở Gia Lâm, cách quê gần chục cây số. “Nó phải tự lập từ bé, học xa nhà để có thể vào được trường cấp 3 Nguyễn Gia Thiều”, ông Vương Quý Hiển, bố Hoàng tâm sự với tôi. Chẳng là lo cho tương lai của con trai, ông bố buộc phải cho cậu ăn nhờ, tá túc ngay nhà của một thày giáo, ngõ hầu sau này cậu có thể học được lên cao nữa. Hoàng đã học làm các trang web thương mại điện tử từ khi còn ở trường cao đẳng công nghiệp I, Minh Khai, Hà Nội.

 

Cũng giống như Phạm Thanh Tùng, chàng trai trẻ Vương Mạnh Hoàng muốn có một trang web thông tin đầy đủ nhất về làng quê mà cậu sinh ra. Và với tay nghề và lòng nhiệt huyết của mình, chỉ ba tháng sau khi thai nghén ý tưởng, trang web: www.battrang.info đã ra đời vào ngày 7/7/2007. “Thực ra, trước đó cũng đã có một số các trang web về gốm sứ của Bát Tràng do các doanh nghiệp lập ra. Nhưng phần vì nhắm tới mục đích chính là thương mại, phần vì không có người trông nom cho nên thông tin rất sơ sài”, Hoàng nhớ lại.

 

Những ai đã vào www.battrang.info chắc hẳn có một ấn tượng rất đặc biệt về trang web này. Một giao diện đơn giản nhưng có đầy đủ các phần thông tin thiết yếu nhất về làng nghề gốm truyền thống Bát Tràng, ngay trên trang chủ. Trong đó có 3 phần chính: Lịch sử nghề gốm, Văn hóa làng nghề và Thông tin du lịch. Chỉ có 3 phần đơn giản đó thôi nhưng quả là một kỳ công của một người trẻ tuổi như Hoàng. Đó là hàng nghìn bức ảnh, hàng trăm bài viết, rồi cả những bài vè, bài hát của quê hương do chính Hoàng “lọ mọ” đi tìm, xin và ghi âm từ giọng của các cụ già trong làng. “Em muốn lưu giữ lại những vốn văn hóa, lịch sử của làng nghề, nếu không sau này sẽ chẳng còn”, Hoàng tâm sự với tôi ngay trong phòng làm việc, nằm ở tầng hai của FIS, trên đường Hoàng Diệu, Hà Nội.

 

“Việc cậu Hoàng làm quí lắm, chúng tôi già rồi, sống chẳng được bao lâu nữa nhưng cậu Hoàng trẻ, làm được những điều này giữ lại cho tương lai, quí lắm, tốt lắm”, cụ Lê Độ, người tự coi là “nhà viết sử” của làng Bát Tràng nhắc đi nhắc lại.

 

Ước muốn xa hơn của Hoàng là biến www.battrang.info thành một cổng thông tin điện tử thương mại thực sự (portal) để kết nối các doanh nghiệp của Bát Tràng với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Hiện, chi phí trả cho tên miền (khoảng 1 triệu đồng/năm) vẫn do Hoàng tự trả. Nhưng nếu khi các doanh nghiệp nhận thức tầm quan trọng và hiệu quả mà công việc Hoàng làm, câu chuyện chắc chắn sẽ giản đơn hơn. Và con đường các sản phẩm Bát Tràng ra thị trường (cả trong và ngoài nước) cũng sẽ ngắn hơn nhiều. Bố Hoàng khoe: “Đấy, từ hồi có trang web, người ta cứ theo số điện thoại trong đó gọi về đặt hàng, suốt cả ngày”...

 

Đã gần 5 năm qua, tôi không đến Bát Tràng, dù rất nhiều lần đi qua đây. Lần này về để lấy tư liệu viết bài, tôi thực sự bất ngờ vì sự đổi thay quá nhanh chóng ở nơi đây. Đường sá khang trang hơn nhiều. Những công ty tư nhân mọc ra cũng nhiều hơn, rồi cả khu chợ gốm do một công ty tư nhân lập ra và điều hành...

 

Tất cả thực sự đã thay đổi nhưng tôi vẫn tin chắc rằng sự đổi thay sẽ còn nhanh hơn rất nhiều một khi các khát vọng của những người trẻ tuổi được tiếp sức. Có thể bằng sự hợp tác của các doanh nghiệp địa phương, hay đơn giản chỉ từ sự quan tâm hơn của chính quyền làng nghề, nơi Tùng và Hoàng đã sinh ra, lớn lên...

 

Hiện nay Vương Mạnh Hoàng đang là một trong những chuyên gia hàng đầu về Marketing online tại Hà Nội. Nếu bạn muốn nghe những câu chuyện của anh về Marketing online hãy ghé thăm http://vuongmanhhoang.com

Facebook Youtube Top