Giỏ hàng

Võ tướng quận công Bát Tràng

Bát Tràng không chỉ là làng gốm mà còn có rất nhiều võ tướng cho các triều đại ngày xưa

 1. Cơ Quận công Nguyễn Thành Trân (1641 – 1693).

võ tướng làng gốm Bát Tràng


Ông tên là Chẩn. Huý: Thành Trân, tự Đôn Phát, thuỵ: Đoan Nhã phủ quân. Ông giữ chức Đề Điềm đời chúa Trịnh Tạc. Thông hiểu tiếng Tàu. Năm 1667 đời vua Lê Huyền Tông phụng mệnh đi sứ nhà Thanh (Trung Quốc). Ông từng làm quan trấn thủ Lạng Sơn. Mùa Đông năm Quý Dậu (năm 1693) ông lâm trọng bệnh và mất. Vua Lê, Chúa Trịnh vô cùng thương xót, sắc phong cho ông Đặc Tiến Phụ Quốc Thượng tướng quân Kim Tố Vinh Lộc đại phu, Thị Nội Giám, Tự Lễ Giám, Tổng Thái Giám, Cơ Quận công. Mộ phần của ông được đắp ở thôn Báo Đáp. Dân làng Bao Đáp (thôn Báo Đáp, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm) thờ ông làm Hậu Thần. Sinh thời, tuy làm quan to trong triều đình nhưng ông luôn nghĩ đến quê hương bản quán nên đã góp nhiều công của sửa sang đền làng và ban phát nhiều ân huệ cho dân làng. Ông cũng là người tổ chức khai giếng đầu tiên ở Bát Tràng. Ông được dân làng tôn kính thờ phụng phối hưởng cúng tế ở Đình Bát Tràng.

Sinh thời ông nuôi người con thứ 3 của anh trưởng là Nguyễn Thành Chương làm con thừa tự. Nguyễn Thành Chương sau cũng hiển đạt làm tới chức Hoài Viễn tướng quân, Tổng Binh Sứ, Tư Tổng Binh Kiêm Sự, tước Lâm Thọ Hầu. Tộc Phả họ Nguyễn Thành Chương còn cho biết ông sinh năm Bính Ngọ niên hiệu Cảnh Trị thứ 4 (năm 1666) mất năm Vĩnh Hựu thứ 3 (năm 1737) thọ 72 tuổi. Ông là con rể Mỹ Quận công nước Nhật Bản. Bà vợ họ Lý tên huý là Tước, hiệu là Quỳnh Quang sinh năm Tân Ngọ (năm 1671) sinh hạ được 5 người con là Thành Giáp, Thành Ban và 3 người con gái.

2. Tuấn Quận công Nguyễn Thành Lý (Thế kỷ XVIII).

Tự là Trung Nghị, thuỵ Đoan Hoà Nguyễn tiên sinh. Ông là cháu Cơ Quận công Nguyễn Thành Trân. Ông làm quan đại phu thời Lê Hoằng Định (1700 – 1719) chức Phụng sai Lưu thủ Tuyên Quang thủ hiệu là Tả Trần Cai Cơ, chỉ huy sứ Ty, chỉ huy Đông Trí. Ông được phong tước Tuấn Đường hầu sau lại được vua tặng phong Đặc Tiến Phụ Quốc Thượng Tướng quân Đô chỉ huy sứ Ty.

3. Quỳ Quận công Nguyễn Thành Châu.

Ông sinh tháng 11 năm Giáp Dần mất ngày 11.11 năm Mậu Ngọ hưởng thọ 65 tuổi. Ông được giao phụ trách thuần phục đàn voi chiến suốt 10 năm và có nhiều công tích. Ông được phong Đặc Tiến Phụ Quốc Thượng tướng quân, Thị Nội Giám, Ty Lễ Giám, Tổng Tả Hiệu Điểm Ty, Tổng Hữu Hiện Điểm Quỳ Quận công.

4. Thiếu Bảo lão tướng Quận công Lê Trần Cẩn (Thế kỷ XVIII).

Ông còn được gọi là “Quận công lưỡng quốc”. Ông xuất thân trong một gia đình văn thân truyền thống bản thân “văn võ kiêm toàn”, thạo binh thư thao lược nên được vua Lê trọng dụng. Khi biên cương nước ta bị phiến quân Ai Lao (Lào) quấy nhiễu ông phụng mệnh Triều đình dẹp giặc, giữ yên bờ cõi. Nhờ tài thuyết khách khiến phiến quân lui binh và dâng tặng 70 thớt voi tỏ lòng hoà hiếu rồi phong ông làm Quận công Ai Lao. Ông được triều đình ta phong tước Giảng Nghĩa hầu. Sau ông lại được cử sang bang giao với Trung Quốc về vấn đề biên giới Việt Trung. Năm 1740, sau 3 năm khi hoàn thành nhiệm vụ trở về vua Lê lại phong ông làm Thiếu Bảo Lão tướng Giảng Quận công. Sau khi ông mất có 3 nơi thờ ông đó là đình làng Xuân Thuỵ (Kiêu Kỵ, Gia Lâm), đình Ngọc Động (Đa Tốn, Gia Lâm) và Từ đường họ Lê làng Bát Tràng. Hiện nay, họ Lê còn lưu giữ sắc phong cho ông đời Lê Trung Hưng (năm 1740). Khu lăng mộ đá của ông hiện nằm tại gò Én, thôn Xuân Thuỵ (xã Kiêu Kỵ) giáp với thôn Ngọc Động (xã Đa Tốn)

5. Tham tán Nghĩa quân Bãi sậy: Lê Thiện.

Ông là nhà Nho văn võ kiêm toàn. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, với lòng yêu nước ông đã tham gia phong trào của nghĩa quân Bãi sậy (1885 – 1889). Đây là phong trào chống Pháp hoạt động ở cả một vùng rộng lớn từ Hưng Yên, qua Hà Đông lên vùng Bắc Ninh... làm cho địch phải mất nhiều năm mới đàn áp được. Ông bị bắt và tù đầy. Khi thoát nạn tù đầy, ông lại tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và trở thành nhà lãnh đạo phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục tỉnh Bắc Ninh (năm 1907). Khi phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục tan vỡ, ông bí mật về ẩn giật và dạy học tại vùng An Dân, tổng Bình Dân phủ Khoái Châu, Hưng Yên và mất tại đây.

6. Liệt sỹ Phạm Văn Tráng

Ông từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Năm 1912, ông trốn sang Trung Quốc gia nhập Việt Nam Quang Phục Hội. Được tổ chức phái về nước thi hành bản án tử hình tên toàn quyền Đông Dương Anbexaro và bọn tay sai đầu so Hoàng Trọng Phu, Nguyễn Duy Hàn, trái tạc đạn từ tay Phạm Văn Tráng đã giết chết tên Nguyễn Duy Hàn ngay gần tỉnh lỵ Thái Bình trưa ngày 12/04/1913. Tiếng nổ kinh thiên động địa của các chiến sỹ Việt Nam Quang Phục Hội khiến thực dân Pháp lo sợ và điên cuồng khủng bố. Phạm Văn Tráng bị thực dân Pháp bắt và kết án tử hình cùng 7 chiến sỹ cách mạng khác vào tháng 9 năm 1913. 

Facebook Youtube Top